Nga - Trung chạy đua chiếm lĩnh thị trường quốc phòng toàn cầu

Cuộc cạnh tranh trên thị trường quốc phòng giữa Nga và Trung Quốc được dự đoán sẽ rất căng thẳng khi Bắc Kinh có ưu thế về vũ khí giá rẻ nhưng Moscow cũng không chịu kém cạnh với nền công nghệ, kỹ thuật hiện đại bậc nhất thế giới.
Ngay từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô đã cung cấp nền tảng cho tổ hợp công nghiệp - quân sự Trung Quốc thông qua nhượng quyền công nghệ, chuyển giao các gói lắp ráp hay cử cố vấn hỗ trợ. Sau khi liên minh Xô - Trung chia rẽ, Trung Quốc phải vật lộn để giữ vững nhịp độ nhưng các sản phẩm lắp ráp của họ vẫn kém xa so với trang thiết bị hiện đại của Liên Xô. Chiến tranh Lạnh kết thúc, lúc này, hoạt động xuất khẩu công nghiệp của Nga là nguồn động lực để ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc khởi sắc.
Theo quan sát viên Robert Farley, tuy Trung Quốc còn phải học hỏi nhiều từ Nga nhưng hiện tại, ở một số lĩnh vực, Bắc Kinh đã có thể bắt kịp Moscow. Những tiến bộ về công nghệ của Trung Quốc cho thấy ngành công nghiệp quân sự nước này nhiều khả năng sẽ nhảy vọt, thậm chí vượt Nga trong thập kỷ tới.
Ngành xuất khẩu quân sự Trung Quốc trước đây đi theo hướng ít liên quan tới Nga. Song, 10 năm tới, Nga - Trung được dự đoán sẽ xảy ra cạnh tranh gay gắt về thị phần trên 5 lĩnh vực, gồm: chiến đấu cơ, tàu ngầm, xe tăng, hệ thống phòng không và tên lửa.
Chiến đấu cơ
Shenyang-J-31-F60-at-the-2014-5570-4123-
Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 Thẩm Dương J-31 của Trung Quốc. Ảnh:Wikimedia
Nếu kế hoạch của Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương phát triển như mong đợi thì J-31 sẽ trở thành chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 thứ hai của Bắc Kinh gia nhập thị trường xuất khẩu toàn cầu. Theo báo cáo ban đầu, J-31 sở hữu nhiều đặc điểm giống với máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ hơn là chiếc PAK-FA của Nga.
Ở phân khúc sản phẩm cấp thấp, "Thần sấm" JF-17, một dự án hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan, chế tạo máy bay chiến đấu dựa trên nguyên mẫu MiG-21, năm ngoái gặt hái nhiều thành công về doanh số khi Trung Quốc đạt thỏa thuận bán 110 chiếc JF-17 cho Paskistan.
JF-17 sử dụng động cơ Klimov RD-93, có vận tốc cực đại 1.960 km/h, bán kính hoạt động khoảng 1.200 km. Mẫu chiến đấu cơ này trang bị súng máy GSh-23-2 cùng nhiều loại hỏa lực mạnh mẽ như tên lửa không đối không tầm ngắn PL-5 hoặc tên lửa tầm trung PL-12/SD-10B, hai tên lửa chống hạm C-802A, hai tên lửa chống radar, 5 quả bom 500kg...
Về phần Nga, Moscow tiếp tục giành thắng lợi lớn khi chiến đấu cơ Su-27 cùng các biến thể được xuất khẩu sang nhiều quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, tốc độ bán các loại máy bay khác lại chậm dần, đặc biệt là khi những vấn đề về kiểm soát chất lượng gây không ít khó khăn cho việc cung cấp những mẫu MiG-29 ra thị trường. Bên cạnh đó, mẫu PAK-FA của nước này cũng phải cố gắng rất nhiều để chiếm thị phần.
Tàu ngầm
kilo8-1551-1436956092.jpg
Tàu ngầm thuộc lớp Kilo của Nga. Ảnh: Naval - technology
Bắc Kinh nhiều tháng qua tập trung vào xuất khẩu tàu ngầm điện - diesel. Trung Quốc đã đàm phán thành công với Thái Lan và Pakistan để cung cấp tàu ngầm cho hai quốc gia này, đánh dấu lần đầu tiên Bắc Kinh tham gia thị trường tàu ngầm thế giới. Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ bước tiến trên không ai khác ngoài Nga bởi hai nước thường sản xuất ra những mẫu tàu ngầm có nhiều nét tương đồng.
Các công ty đóng tàu Nga từ lâu luôn lo lắng việc họ chuyển giao lớp tàu ngầm Kilo cho Trung Quốc vào những năm 1990, 2000 sẽ mang đến nhiều bất lợi lâu dài. Theo đó, những công nghệ mà Trung Quốc học hỏi được sẽ tạo điều kiện để Bắc Kinh chế tạo những lớp tàu ngầm mới có sức ảnh hưởng lớn hơn. Sự xuất hiện của Trung Quốc trên thị trường tàu ngầm toàn cầu là bằng chứng cho thấy mối lo âu này hoàn toàn có cơ sở.
Dù vậy, Nga hiện vẫn chiếm ưu thế bởi nền công nghiệp đóng tàu ngầm của nước này đạt đến trình độ phát triển cao mà rất ít quốc gia có thể sánh kịp. Trung Quốc mặt khác còn thiếu kinh nghiệm trong việc chuyển giao các tàu chiến cỡ lớn và hiện đại. Vì thế, viễn cảnh Bắc Kinh vượt mặt Moscow để chiếm lĩnh thị trường tàu ngầm còn khá xa vời.
Xe tăng
82767147-rusarmatacloseupap-4752-1436956
Xe tăng chiến đấu chủ lực Armata T-14 hồi tháng 5 xuất hiện trong lễ diễu binh mừng Ngày Chiến thắng của Nga. Ảnh: AP
Khí tài quân sự được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây của Nga có lẽ là xe tăng chiến đấu chủ lực Armata T-14. Theo trang thông tin quân sự Military-today, Armata là con át chủ bài thay thế các mẫu xe tăng T-72, T-80 và T-90 đã lỗi thời. Tạp chí Stern của Đức bình luận "Armata sẽ trở thành vũ khí nổi bật trong ngành công nghiệp chế tạo xe tăng Nga bằng sự cơ động cũng như tốc độ của nó".
Trung Quốc mặt khác đang lên kế hoạch tự sản xuất xe bọc thép của riêng mình. Các mẫu như VT-4 hay MBT3000, nếu chứng minh được tính hiệu quả, sẽ là đối thủ đáng gờm của Nga trong tương lai, theo National Interest.
Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Hoa Bắc (Norinco) tháng trước đăng tải đoạn quảng cáo về xe tăng VT-4 trên một ứng dụng mạng xã hội với hơn 500 triệu người dùng của nước này.
Norinco khẳng định VT-4 có tính cơ động và tự động hóa cao cùng hệ thống kiểm soát hỏa lực sánh ngang Armata T-14. Tập đoàn này còn tuyên bố những công nghệ áp dụng cho VT-4 vượt trội hơn Armata, đồng thời giá cả cũng rẻ hơn bởi chúng được thiết kế để nhắm tới đối tượng khách hàng là các nước đang phát triển.
Diplomat đánh giá việc so sánh xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga và Trung Quốc ở thời điểm hiện tại là quá sớm và vô lý. Bắc Kinh có truyền thống phát triển xe tăng bằng cách sao chép công nghệ của Nga. Một số hình ảnh mới được công bố cho thấy T-14 Armata đã tạo ra bước đột phá so với các mô hình xe tăng kiểu cũ của Liên Xô, trong khi VT-14 trông rất giống một phiên bản cải tiến của mẫu xe T-90 được sản xuất hơn hai thập kỷ trước.
Hệ thống phòng không
3l-image-8553-1429859193-5565-1436956093
Hệ thống phòng không S-400 trong một cuộc triển lãm thiết bị quân sự tại Nga. Ảnh:Army-technology
Dư luận thế giới gần đây dậy sóng về thông tin Trung Quốc mua lại hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 từ Nga. Mặc dù thỏa thuận có lẽ sẽ bao gồm những điều khoản nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Nga nhưng giới chuyên gia vẫn quan ngại Trung Quốc sẽ sao chép những kỹ thuật mới được sử dụng trong S-400 sau đó bán lại một số hệ thống phụ. Nhưng cũng có khả năng Nga nhận thấy công nghệ phòng không Trung Quốc đã rút ngắn khoảng cách đáng kể so với kỹ thuật của họ, vì thế việc ngăn chặn giao dịch với bên thứ ba là điều vô nghĩa.
Cả Nga và Trung Quốc đều đang gia tăng nỗ lực để xuất khẩu các hệ thống phòng không. Nga đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc chuyển giao tổ hợp tên lửa đất đối không (SAM) cho Iran, Brazil cùng một số quốc gia khác. Trung Quốc cuối cùng có thể không hoàn thành thỏa thuận hợp tác sản xuất hệ thống phòng không HQ-9 với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng việc giá chào bán tương đối cạnh tranh cho thấy rõ ràng công nghệ của Trung Quốc đã đạt được bước tiến xa.
Nga và Trung Quốc hiện nhắm tới những khách hàng giống nhau và cung cấp các sản phẩm với tính năng tương đồng, vậy nên cuộc cạnh tranh sẽ vô cùng khốc liệt, ông Farley nhận định.
Tên lửa
Scud-Scud-b-SS-1-mobile-MAZ-54-2732-3286
Hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn SCUD. Ảnh: Army Recognition
Liên Xô làm chủ thị trường tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi cung cấp loại vũ khí này, thường là biến thể của mẫu tên lửa SCUD, tới một loạt khách hàng trên thế giới, bất chấp việc những quy định nhằm thắt chặt kiểm soát vũ khí cũng như môi trường chính trị thay đổi trong vài thập kỷ gần đây khiến những giao dịch kiểu này giảm đi.
Tuy nhiên, trên thị trường tên lửa hành trình, cuộc chơi vẫn rất cân bằng. Cả Trung Quốc và Nga đều đã xuất khẩu tên lửa hành trình trong thời gian dài. Hệ thống vũ khí của họ hiện hữu ở Đông Nam Á, Trung Đông và cả châu Phi. Dù tên lửa của Trung Quốc, được phát triển trên nền tảng của Liên Xô, thường tụt hậu so với đối thủ Nga nhưng Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều để cải tiến tên lửa của mình suốt một thập kỷ qua. Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc.
Theo ông Farley, lợi thế mà Nga nắm giữ một lần nữa nằm ở vị thế địa chính trị. Nhiều khách hàng tiềm năng của Moscow đều là các nước trong khu vực Đông Nam Á bởi những quốc gia này đang phải tìm cách để cân bằng sức mạnh quân sự và đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh. Trung Quốc thì ít có hứng thú bán vũ khí cho đối thủ trong khu vực nhưng chắc chắn châu Phi và Mỹ Latin sẽ là những thị trường mà hai cường quốc sẽ phải cạnh tranh gay gắt để chiếm lĩnh
.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét